02:50

Phát hiện nhiều bánh trung thu ghi ngày sản xuất sau “thời hiện tại”

Xem tại đây

Ngày 6/9, Đội số 7 Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập biên bản xử phạt hành chính về việc ghi ngày sản xuất không đúng trên bánh trung thu đối với ông Nguyễn Đình Nhật, chủ cơ sở H.K. (địa chỉ đường Thánh Gióng, TP Huế).

Qua phản ánh từ người dân ở cửa hàng tạp hóa Phú Thúy (chợ An Lỗ, huyện Phong Điền) bán bánh trung thu trên bao bì ghi ngày sản xuất không đúng, Đội số 7 Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mặt để làm rõ. 

Sau khi kiểm tra, tại cửa hàng tạp hóa này có 25 chiếc bánh trung thu nhân đậu xanh của cơ sở H.K. (địa chỉ đường Thánh Gióng, TP Huế) giá từ 20-25 nghìn đồng. Dù được bán trong ngày 6/9 nhưng ngày sản xuất lại được đẩy lên trên cả ngày… hiện tại như ngày 8/9, 9/9, 13/9.

Ông Nguyễn Đình Nhật, chủ cơ sở H.K giải trình với cơ quan chức năng do vợ đi khám bệnh mấy ngày qua nên ở nhà, nhân viên làm bánh đã bỏ… lộn tem. Số bánh trên do cơ sở ông sản xuất. Theo ông Nhật, số tem bỏ lộn khoảng 200 cái, sự việc xảy ra thì cơ sở đang đi thu hồi lại số bánh trên ở các quầy tạp hóa để bánh bán. Sự việc đang được tiến hành làm rõ thêm.

Người Việt “chạy đua” chi tiền tỷ cho con du học Mỹ

Xem tại đây

Một báo cáo được Ngân hàng HSBC công bố ngày 5/9 cho hay, tại Việt Nam đang diễn ra xu hướng ngày càng nhiều cha mẹ Việt lựa chọn Mỹ là điểm đến ưa thích cho việc du học của con cái.

Theo thống kê mới nhất của Hệ thống Thông tin về sinh viên và khách mời trao đổi (Student and Exchange Visitor Information – SEVIS) hồi tháng 3/2016, Việt Nam xếp thứ 6 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Canada trong số 10 quốc gia có số lượng du học sinh cao nhất tại Mỹ, với 29.101 sinh viên đang theo học tại tất cả các bậc học và chương trình đào tạo.

Chỉ trong vòng một năm từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, số lượng sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã tăng 11,1%, chỉ đứng sau Ấn Độ (31,1%) thậm chí vượt Trung Quốc (7,9%). Ngoài Mỹ, các nước Úc, Nhật, Canada, Anh và New Zealand cũng thu hút nhiều sinh viên Việt Nam.

Bộ GTVT ra yêu cầu, TCT Đường sắt VN sẽ tự xử các sai phạm thế nào?

Xem tại đây

Tổng công ty Đường sắt VN và các Vụ, Cục liên quan vừa được yêu cầu phải xử lý nghiêm các sai phạm đã được nêu trong Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP của thanh tra chính phủ và báo cáo lại trước ngày 5.10. Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt VN và các đơn vị thành viên phải rà soát, điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 11 nội dung được nêu tại mục II của phụ lục kèm theo kết luận thanh tra, tự rà soát, hạch toán điều chỉnh các nội dung nêu tại kết luận, kiến nghị xử lý đảm bảo đúng chế độ tài chính kế toán. Theo đó, TCT phải xác định các chỉ tiêu tài chính, kết quả kinh doanh sau điều chỉnh, trường hợp phát sinh nghĩa vụ với Nhà nước về thuế, phí… phải kê khai nộp đầy đủ và đúng quy định.

Bên cạnh đó, bộ GTVT yêu cầu các Vụ và Cục Đường sắt VN tham mưu xử lý các nội dung theo kết luận thanh tra, trong đó có liên quan đến tài chính một số dự án đầu tư máy móc, thiết bị; việc quản lý, sử dụng đất đai… đồng thời tham mưu cho Bộ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; rà soát hoạt động kinh doanh, quản lý khai thác kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là hoạt động đầu tư, bảo trì, sửa chữa để xử lý theo thẩm quyền và sớm chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN khắc phục; kiểm tra, xử lý đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn lực Nhà nước giao, tách bạch rõ kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh doanh vận tải, xóa bỏ độc quyền…

“Tổng kiếm tra” việc thực hiện quy định trích 25% quỹ đất làm nhà ở xã hội

Xem tại đây

Theo đó, HĐND TP Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát đối với các dự án có thời gian từ tháng 7.2013 đến nay. Quá trình kiểm tra sẽ làm rõ việc chấp hành theo quy hoạch, thực hiện quy định về tỉ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới theo quy định của Luật thủ đô và nghị quyết của HĐND TP. Làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan.

Về nội dung giám sát, HĐND TP Hà Nội yêu cầu xem xét, đánh giá việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội;

Bên cạnh đó, xem xét, đánh giá việc triển khai dự án phát triển các đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch;

Đồng thời, xem xét, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy định khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.

Về thời gian thực hiện, theo HĐND TP, các đơn vị được giám sát xây dựng báo cáo theo yêu cầu và gửi về ban đô thị HĐND TP trước ngày 15.9.2016. Dự kiến từ ngày 20- 30.9, đoàn giám sát sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị.

Diễn đàn doanh nghiệp Pháp – Việt 2016: Sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

Xem tại đây

Đó là cam kết của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp Pháp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp – Việt 2016 nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Pháp Francois Hollande tới TPHCM ngày 7.9.

Đại diện phía Chính phủ Pháp có bà Martine Pinville, Quốc Vụ khanh phụ trách Thương mại, Thủ công, Tiêu dùng, Kinh tế-Xã hội và Đoàn kết ghi nhận, TPHCM là một điểm nhấn về sự đa dạng hoá du lịch, sản phẩm y tế mang tính sáng tạo, và đặc biệt TPHCM hiện diện rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IT.

Ông Nicolas Du Pasquier, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Pháp tại VN (CCIFV) cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Pháp luôn đánh giá cao tính năng động của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong thị trường công nghệ Việt Nam.

Tính đến hết tháng 7/2016, về phương diện đầu tư, Pháp có 185 dự án với tổng vốn gần 848 triệu USD, đứng thứ 10 trên 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TPHCM. Về thương mại, kim ngạch XNK giữa TPHCM và Pháp đạt 746 triệu USD trong năm 2015, tăng 8,5% so với năm 2014. Trong 7 tháng đầu năm 2016, trao đổi thương mại giữa TPHCM và Pháp đạt hơn 423 triệu USD. Năm 2015, TPHCM đón gần 110.000 du khách Pháp. Pháp xếp thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có du khách đến TPHCM.

Tổng công ty cảng hàng không báo lỗ hơn trăm tỉ vì tỷ giá

Xem tại đây

Chênh lệch tỷ giá được cho là yếu tố chính khiến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lần đầu công bố thua lỗ kể từ khi thành lập. Theo báo cáo tài chính quý II, ACV có doanh thu thuần 3.263 tỉ đồng và chịu lỗ 123,7 tỉ đồng.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Lê Mạnh Hùng Tổng giám đốc ACV cho rằng tổng công ty này bị lỗi vì tỷ giá đồng yen và chênh lệch tỷ giá tính toán cũng chưa đúng. Ông Hùng khẳng định chưa công bố lỗ một cách chính thức mà mới đang tổng hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh trong quý II. Trong khi đó, theo một số nguồn tin, ACV đã công bố kết quả kinh doanh với giá vốn hàng bán lên tới 1.900 tỉ đồng và chi phí tài chính lên tới 1.400 tỉ đồng. Những con số này được cho là yếu tố chính tác động đến kết quả kinh doanh của ACV.

Đây là lần đầu tiên ACV báo lỗ và mức lãi sau thuế hàng năm của Tổng công ty từ năm 2012 đến 2015 thường dao động từ 1.500 tỉ đồng đến xấp xỉ 2.500 tỉ đồng. Việc công bố lỗ này có thể sẽ là yếu tố để ACV đẩy mạnh quá trình xin tăng các loại phí phục vụ tại sân bay. Trước đó, ACV đã nhiều lần gửi kiến nghị tăng giá phục vụ hành khách trong nước, phí đậu sân bay theo giờ...


Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.