20:28

Là một bệnh lý độc lập nhưng TCBP lại là yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây nên nhiều bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, sỏi mật, cơ xương khớp và ung thư... Do TCBP liên quan đến nhiều bệnh lý quan trọng như vậy nên người ta coi vấn đề TCBP là chóp của tảng băng các bệnh mạn tính không lây.

TCBP gây rối loạn chuyển hóa lipid máu (còn gọi là rối loạn mỡ máu)

Thường thấy rối loạn mỡ máu ở hầu hết các bệnh nhân TCBP. Với lượng mỡ trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa mạch máu và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây ra đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim có thể gây đột tử. Người TCBP có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác.

Bệnh béo phì gây rối loạn chuyển hóa lipid máu, còn gọi là rối loạn mỡ máu.

Như vậy, giữ vóc dáng, hạn chế TCBP sẽ tránh được rối loạn mỡ máu, tránh được các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim... Tránh được các biến chứng khác do bệnh vữa xơ động mạch gây ra như tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại vi. Ngoài ra còn giúp tăng cường chất lượng cuộc sống, giảm chi phí điều trị vì chi phí cho các tai biến mạch máu não rất tốn kém.

TCBP và nguy cơ bị tăng huyết áp

Huyết áp tâm thu và tâm trương đều tăng. Người TCBP có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn bình thường, nguy cơ này càng cao khi tuổi càng trẻ và thời gian càng kéo dài. Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân gây đột quỵ chảy máu não, vừa là nguy cơ gây đột quỵ thiếu máu não. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, về lâu dài tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến thị lực. Ngay cả chức năng thận cũng bị ảnh hưởng do tăng huyết áp. Thận là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường, nó điều tiết các chất dịch của cơ thể, muối... từ đó điều chỉnh huyết áp. Nhưng ngược lại, bệnh tăng huyết áp lại gây hư hại các mạch máu trong thận làm quả thận mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận, từ đó gây suy thận. Bên cạnh đó, vì tăng huyết áp, tất cả các mạch máu nuôi cơ thể đều bị ảnh hưởng; các mạch máu ở tứ chi có thể thu hẹp dẫn đến một bệnh lý gọi là bệnh động mạch ngoại biên ảnh hưởng đến việc lưu thông máu ở chân và gây ra chứng chuột rút.

TCBP gây thoái hoá khớp

TCBP thường mắc bệnh xương khớp sớm và bệnh thường nặng hơn khi trọng lượng cơ thể tăng. Người bị TCBP có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường. Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng nếu giảm 5kg trong 10 năm thì nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ giảm 50%.

TCBP gây ra nhiều tác động xấu đến bệnh cơ xương khớp. Do biểu hiện đặc trưng của bệnh là đau nhức nên các thuốc chống viêm, giảm đau khi dùng để điều trị kích thích các bệnh lý khác phát triển, gây trở ngại trong điều trị. Vì vậy kiểm soát cân nặng để đẩy lùi TCBP không những giúp phòng ngừa bệnh tật mà còn là chìa khóa bảo vệ sức khỏe.

TCBP gây bệnh sỏi mật

TCBP làm tăng nguy cơ bị bệnh sỏi mật gấp 3-4 lần. Để giảm nguy cơ sỏi mật cần có một chế độ ăn uống cân bằng; thường xuyên tập thể dục. Người ít vận động, ngồi nhiều, có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật. TCBP làm tăng tổng hợp 20mg cholesterol/ngày/kg mỡ thừa. Tình trạng đó làm tăng bài tiết mật, tăng mức bão hòa cholesterol trong mật, chức năng của túi mật giảm dẫn tới bệnh sỏi mật.

Tuy vậy, đối với người TCBP khi muốn giảm cân thì cần giảm cân từ từ, nếu giảm cân nhanh chóng cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.

Do đó, ăn uống hợp lý và cân bằng, tăng cường hoạt động thể lực, phòng tránh dư thừa trọng lượng cơ thể là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây nên bệnh sỏi mật.

TCBP gây rối loạn đường huyết

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng lượng insulin để làm giảm đường huyết ở người béo phì thấp hơn người bình thường và đó chính là nguyên nhân tại sao người bị đái tháo đường phần lớn là người béo phì.

Có mối liên quan chặt chẽ giữa bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin và béo phì. Nguy cơ đái tháo đường không phụ thuộc insulin tăng liên tục khi BMI tăng và giảm đi khi cân nặng giảm.

Bệnh đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ, tổn thương thần kinh dẫn đến đau và tê ở bàn tay và bàn chân, suy giảm chức năng thận và bệnh về mắt.

TCBP gây bệnh ung thư

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, ung thư có liên quan tới khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi chức năng miễn dịch của tế bào giảm thì cơ thể dễ bị các loại u ác tính. Bất kể nguyên nhân gây ra u ác tính là gì, chỉ cần trong cơ thể xuất hiện tế bào biến chứng ung thư thì màng tế bào lập tức sinh ra kháng nguyên đặc biệt, còn tế bào miễn dịch trong cơ thể sẽ diệt các tế bào có kháng nguyên ung thư này. Khi chức năng miễn dịch của tế bào giảm, khả năng tự bảo vệ của cơ thể yếu thì tế bào ung thư sẽ sinh sôi.

Mặt khác, người béo phì đều mắc chứng cholesterol trong máu cao và insulin trong máu cao, khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch tăng cao, giảm khả năng diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch trong cơ thể.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư cũng như các bệnh khác do béo phì, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên kiểm soát cân nặng của mình với một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, cân bằng, kết hợp với vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe cũng như phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm do TCBP gây nên.

Theo SKDS

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.