02:51

Hiện nay, rất nhiều thai phụ mắc các bệnh lý kết hợp, trong đó Đái tháo đường trong thai kỳ (ĐTĐTK) là bệnh lý nội khoa thường gặp nhất khi có thai. Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai. ĐTĐTK có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đó là thông tin được BS CKII. Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ tại lễ ra mắt khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM sáng  ngày 9.9.

Con chết lưu vì đái tháo đường thai kỳ

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân bị ĐTĐTK do không kiểm soát nên để lại hậu quả đáng tiếc.

Chị Trịnh Thị T (25 tuổi, nhà ở Tiền Giang) mang thai lần đầu, tiền căn gia đình có mẹ bị tiểu đường. Ở giai đoạn thai khoảng 23 – 24 tuần, người bệnh đến thăm khám tại phòng khám Sản Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thì được bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường. Kết quả cho thấy đường huyết lúc đói là bình thường, tuy nhiên chỉ số đường huyết 1 giờ sau uống đường là tăng cao, và 2 giờ sau uống đường tăng rất cao. Người bệnh được chẩn đoán bị ĐTĐTK. Mặc dù đã được bác sĩ cảnh báo mối nguy hiểm của ĐTĐTK và khuyên đi điều chỉnh lượng đường, nhưng người bệnh chủ quan không điều trị mà về quê để ăn Tết.

Một thời gian sau, người bệnh đến tái khám tại BVĐHYD khi thai khoảng 34 – 35 tuần được phát hiện đa ối, thai to và được bác sĩ nội tiết chỉ định sử dụng Insulin đường tiêm (chích) ngay để điều chỉnh lượng đường nhưng không kịp. Ngay chiều ngày hôm đó, người bệnh không cảm thấy thai máy nữa, siêu âm kết quả cho thấy thai vừa chết lưu ở tuần thai thứ 34 - 35, cân nặng 3.5 kg (theo tiêu chuẩn quốc tế thai nhi 34 – 35 tuần chỉ nặng 2.2 – 2.3 kg).

Theo BS Kiều Dung, ĐTĐTK có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, việc tăng cân quá mức ( hơn 2kg/ tháng) gây béo phì (sau sanh rất khó lấy lại vóc dáng thon gọn); Đa ối chiếm tỉ lệ khá cao (27 – 30%), lượng ối quá nhiều làm tử cung to nhanh có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ;Tăng nguy cơ sảy thai, sanh non; Tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần; Nhiễm trùng dễ xảy ra và thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận; Chuyển dạ kéo dài, sanh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sanh; Tỉ lệ mổ lấy thai cao hơn và những nguy cơ do phẫu thuật cũng tăng; Rối loạn lượng đường trong máu nặng có thể đưa đến hôn mê.

Bên cạnh nguy hiểm cho thai phụ, ĐTĐTK có thể gây ra những nguy hiểm cho thai nhi như: Gia tăng tỉ lệ dị tật thai nếu bị ĐTĐ từ trước khi có thai mà không được điều trị đúng cách; thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (hoặc quá to, hoặc quá nhỏ); Thai to gây sinh khó và sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…; Thai nhi có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao. Tỉ lệ tử vong chu sinh tăng gấp 2 – 5 lần; Bé sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin; Bé sơ sinh dễ bị hạ đường huyết, hạ calci, vàng da nặng và có thể hôn mê; Khi lớn lên bé dễ bị béo phì, ĐTĐ, cao huyết áp.

Làm gì khi bị đái tháo đường thai kỳ?

BS Kiều Dung cho biết, khoảng 20% ĐTĐTK sẽ bị ĐTĐ thực sự sau sanh. ĐTĐ thực sự có diễn tiến mãn tính suốt phần đời còn lại và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do:Tổn thương tế bào mạch máu gây xơ vữa động mạch đưa đến cao huyết áp và suy tim; Bệnh mạch vành như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; Bệnh mach máu não như sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não; Bệnh mạch máu chân gây thiếu máu tại chỗ gây loét hoặc hoại tử chi; Bệnh lý võng mạc do tổn thương các mao mạch ở võng mạc có thể đưa đến mù mắt; Bệnh lý ở thận như tổn thương vi thể ở cầu thận gây xơ cứng cầu thận và đưa đến suy thận; Các biến chứng cấp tính như hôn mê, nhiễm trùng nặng…

ĐTĐTK có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi chính vì vậy việc tầm soát ĐTĐTK rất cần thiết. Tất cả phụ nữ có thai đều nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) uống 75 gram glucose để tầm soát ĐTĐTK.Về thời điểm tầm soát ĐTĐTK, nếu thai phụ không có yếu tố nguy cơ, nên thực hiện OGTT từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ, không nên thực hiện test muộn hơn tuần thứ 28 của thai kỳ. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ, thực hiện OGTT ở lần khám thai đầu tiên. Nếu kết quả OGTT bình thường, vẫn phải thực hiện lại OGTT vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ.  Về chế độ dinh dưỡng, khi có thai nên ăn đủ chất, không nên ăn nhiều. Các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi v.v… sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Thai phụ cần hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước mía có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ.

Ai dễ bị Đái tháo đường thai kỳ?

·  Tiền căn gia đình có người bị đái tháo đường 

·  Tuổi mẹ khi mang thai > 40 tuổi 

·  Béo phì (BMI) > 25

·  Tiền căn thai kỳ trước bị ĐTĐTK 

·  Tiền căn sanh con to ≥ 4000 gr 

·  Tiền sử thai lưu 3 tháng cuối không rõ lý do

·  Tiền sử sanh con có dị tật bẩm sinh không tìm được nguyên nhân 

·  Rối loạn phóng noãn kiểu buồng trứng đa nang 

·  Sử dụng thuốc như corticosteroids, thuốc kháng virus, hoặc nhiễm HIV

Clip: Một số hình ảnh khám tư vấn ĐTĐTK tại khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM 

Sản phụ xét nghiệm máu tầm soát ĐTĐTK (ảnh BV)
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.