18:41

Liên quan đến vụ việc sau khi được bác sĩ tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cấy que tránh thai, bệnh nhân vẫn có thai ngoài ý muốn nên cuối cùng bệnh nhân đành phá thai vì sức khỏe kém. Trong những ngày vừa qua, ngành chức năng tại Đà Nẵng đã làm việc cùng gia đình bệnh nhân để giải thích và lắng nghe nguyện vọng của gia đình nạn nhân.

Như Lao Động đưa tin, chị La Thị Liên (SN 1990, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng)  cho biết, vào ngày 25.3.2015, chị đi cấy que tránh thai tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng).

Đến khoảng 9 tháng sau, chị bất ngờ phát hiện mình có thai. Sau đó chị Liên đã đi kiểm tra thì biết bản thân đang mang thai tuần thứ 7.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng với 3 lần mổ sinh trước đó nên không thể sinh thêm. Chính vì vậy, đến ngày 15.12.2015, chị Liên đành bất đắc dĩ phải nạo bỏ thai nhi tại Trung tâm Y tế Sơn Trà.

Sau khi phá thai, chị Liên đã yêu cầu các bác sỹ tìm lấy que tránh thai ra khỏi cơ thể, tuy nhiên các bác sỹ tại trung tâm lại không tìm thấy que tại vị trí đặt ban đầu.

Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, ngày 26.9 vừa qua, lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP Đà Nẵng, Trung tâm y tế quận Sơn Trà và UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã có buổi làm việc với gia đình chị chị Liên. 

Trao đổi với gia đình chị Liên,  ông Phạm Hồng Nam - Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà - chia sẻ, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Trung tâm đã lắng nghe ý kiến của gia đình chị Liên.

Ông Nam thừa nhận phía cán bộ Trung tâm một số điểm chưa đúng khiến chị Liên và gia đình chưa hiểu rõ vấn đề. Qua chụp cộng hưởng từ MRI, kiểm tra nội tiết tố... cho  thấy que tránh thai không còn nằm trong người chị Liên.

 Bản thân gia đình chị Liên nhiều ngày nay cũng trong tâm trạng lo lắng việc que tránh thai không còn nằm ở cánh tay mà di chuyển trong người. Và bức xúc việc chị Liên trước đó không được cán bộ Khoa sản - Trung tâm Y tế quận Sơn Trà hỗ trợ. 

Sau khi lắng nghe bức xúc từ phía gia đình nạn nhân, đại diện Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà thừa nhận, việc giải thích của cán bộ khoa Sản chưa cặn kẽ, thấu đáo vấn đề khiến chị Liên và gia đình lo lắng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân  - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Đà Nẵng cho hay, về góc độ chuyên môn, việc chị Liên đi cấy que tránh thai là tự nguyện và bản thân chị Liên được chính quyền hỗ trợ việc cấy que miễn phí (2,5 triệu/que) vì là hộ gia đình khó khăn. 

"Sau ba ngày cấy que, chị Liên mới phát hiện que không còn trên bắp tay. Có thể trước đó chị Liên sờ thấy có vết nổi lên và tin rằng que tránh thai đã nằm sâu trong bắp tay. Có khả năng khi tháo băng, que tránh thai đã đi ra ngoài. Còn vết nổi cộm lên chỉ là vị trí tiêm vào mà chị Liên tưởng nhầm" -  bà Xuân cho biết.

 Cũng theo bà Xuân, trên địa bàn Đà Nẵng, tính từ năm 2014 đến 7 tháng đầu năm 2016, có hơn 1.300 ca cấy que tránh thai. Đây cũng là trường hợp thất bại hy hữu, đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Kết thúc buổi làm việc cùng gia đình chị Liên, ngành chức trách nhận định vụ việc này sẽ là bài học cho các cán bộ, cộng tác viên KHHGĐ trong công tác vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai.

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.