04:56

Ngày 26.12, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - đã thông tin về việc 2 nạn nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Theo đó, sau khi được khám và điều trị, hai bệnh nhân được thực hiện bằng phương pháp tiền mê cách nhau 20 phút. Sau khi thực hiện tiền mê, cả hai bệnh nhân có biểu hiện tím tái, khó thở, lơ mơ, giãn đồng tử, tim ngừng đập. Ngay sau khi bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã cấp cứu và chuyển bệnh nhân vào khoa A9 (BV Bạch Mai) để cấp cứu tích cực. Sau 2 tiếng cấp cứu, cả 2 bệnh nhân đều tử vong.

Theo bà Hà, nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa này, bước đầu chẩn đoán nghi là sốc phản vệ, còn nguyên nhân chính xác phụ thuộc vào kết quả khám nghiệm pháp y với hai bệnh nhân này.

Hiện tại Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng niêm phong phòng mổ, số thuốc đã dùng cho hai bệnh nhân, số thuốc còn lại để phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác định nguyên nhân.

Bà Hà cho biết thêm, thuốc đã dùng cho hai bệnh nhân gần giống nhau, chỉ phụ thuộc vào cân nặng mà điều chỉnh liều lượng khác nhau. Các thuốc này thường được sử dụng ở các cơ sở y tế, đều nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Thuốc có hóa đơn chứng từ mua bán đầy đủ.

Ngày hôm qua (25.12), Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra danh sách bác sĩ tham gia khám chữa bệnh và quy trình hồ sơ khám chữa bệnh của Bệnh viện Trí Đức. Tại buổi kiểm tra cho thấy, các bác sĩ thực hiện đúng quy trình và hồ sơ đã được niêm phong. Thuốc được bảo quản đúng quy trình, đảm bảo được nhiệt độ, độ ẩm của thuốc.

Bà Hà cũng cho biết, với chỉ định cắt amidan, các bác sĩ đã chỉ định gây mê đúng những chỉ định của kỹ thuật này. Giải thích về chỉ định sử dụng, bà Hà nói, các bác sĩ với tay nghề cao sẽ cân nhắc kỹ cần sử dụng phương pháp nào cho các bệnh nhân khác nhau.

Về việc hai nhân viên của Bệnh viện Trí Đức không thuộc danh sách báo cáo Sở Y tế từ tháng 12.2015 mà vẫn có mặt trong hai kíp trực trên, bà Hà cho biết: “Hai nhân viên y tế trên là chị Bùi Thị Kim Oanh (SN 1992), có bằng điều dưỡng viên, có chứng chỉ hành nghề là kỹ thuật viên dụng cụ mổ. Chị Phạm Thị Hương (SN 1991) có bằng điều dưỡng viên, có giấy chứng nhận điều dưỡng gây mê. Hai nhân viên y tế này không trực tiếp thực hiện kỹ thuật chuyên môn cho hai bệnh nhân trên. Hai cán bộ này được bệnh viện xuất trình hợp đồng thử việc tại bệnh viện”.

Về việc này, bà Hà cũng cho rằng, Sở Y tế Hà Nội sẽ xử lý nghiêm túc việc này vì hai nhân viên trên không có tên trong danh sách báo cáo sở.

Bà Hà thông tin, hai bác sĩ trực tiếp gây mê cho hai bệnh nhân trên là bác sĩ Chu Đức Khánh và Đỗ Thị Liên. Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã làm việc với hai bác sĩ này.

Bà Hà thông tin thêm, lô thuốc gây mê đã sử dụng cho hai bệnh nhân trên trước đó từng được sử dụng cho các bệnh nhân khác và kết quả vẫn bình thường. Khoảng 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y (tìm độc chất), khi đó mới có kết luận nguyên nhân vụ việc.

Hai nạn nhân tử vong trong vụ việc đau lòng trên là anh Hoàng Văn Tr (SN 1982, ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cắt amidan và chị Quách Thị Mai P (SN 1979, ở phường Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tới để phẫu thuật tiểu phẫu tuyến giáp.

Tin bài nổi bật

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.