01:48

Không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của hàng ngàn công nhân (CN) vệ sinh môi trường ở cái thành phố lớn nhất nước này. Nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật cay đắng là tư duy của xã hội đối với họ vẫn còn quá nhiều kỳ thị ích kỷ… Vượt qua các trở ngại, khó khăn trong cuộc đời, hàng ngàn CN quét rác vẫn thầm lặng chăm chỉ làm việc ngày đêm để mang lại sạch sẽ, văn minh cho cộng đồng…

Đời CN quét rác - 1.001 rủi ro !

Thay vì phải gọi họ là CN vệ sinh môi trường; tuy nhiên ở đây, tôi vẫn thích gọi họ là những người… quét rác. Cách gọi này, có thể với một số người cho rằng… tầm thường, hạ thấp nghề nghiệp. Song, với tôi, cứ gọi vậy đi, để bất kỳ ai đọc, phải tự cật vấn mình “quét rác tầm thường vậy đó, nhưng không có người quét rác, thì nhà mình, nơi chốn mình ở có sạch sẽ thơm tho… ?”. Từ đó, mới ý thức và yêu quý vô ngần những người quét rác, mà dường như, tôi chắc chắn rằng, không ai ra đường hàng ngày, ít nhất phải một lần chạm mặt một người quét rác nào đó... Chị Nguyễn Thị Lan – CN Cty DV công ích quận 3 – tâm sự: “Vợ chồng tôi đều làm CN quét rác - cái nghề luôn bị rẻ rúng, bị coi thường là hôi thúi, hạ cấp nhất trong xã hội. Thế nhưng, như định mệnh, vợ chồng tôi đã sống với cái nghề quét rác ngót nghét gần 20 năm. Hai đứa con tôi khôn lớn, một đứa đã vào đại học, một đứa đang học cấp 3 - đều nhờ đồng lương thu nhập từ nghề quét rác”. Chị Lan cho biết, có tới 1.001 rủi ro xảy ra với người CN quét rác, không lường trước được. Bởi vậy, chỉ những ai hiểu, yêu nó như máu thịt mới sống được với cái nghề này. Chị Nguyễn Ái Như – CN quét rác ở khu vực Cầu Ông Lãnh, quận 1- kể: “Có đêm vắng vẻ, tôi quét rác trên đại lộ Võ Văn Kiệt, bất ngờ, một thanh niên phóng xe máy hết tốc độ… vèo qua. Cú chạy sát sàn sạt khiến tôi né, vấp phải gờ vỉa hè, ngã xấp xuống đất, chảy máu đầu, bầm tím đầu gối chân phải… Đó là vẫn còn may, vì không nguy hiểm tính mạng. Nhưng kể từ đó, tôi luôn rèn cho mình một kỹ năng: Trong lúc làm việc, nhưng tai luôn phải nghe ngóng tiếng pô xe từ những chiếc xe đua, hay mấy ông say xỉn chạy bất cần đời, để né tránh, kịp thời, tự bảo vệ tính mạng mình”. Theo chị Như, vì đặc thù công việc của CN quét rác là thường làm vào ban đêm, nên ẩn chứa rất nhiều tai họa, rủi ro từ những xe cộ qua lại trên các tuyến đường. Đặc biệt, hiểm họa giao thông đối với CN quét rác thường xảy ra từ những kẻ đua xe, bão đêm hoặc các thanh niên sau trận nhậu say.v.v…

Báo cáo từ Cty TNHH Dịch vụ công ích quận 10 cho biết, từ năm 2008 đến nay, tại đơn vị này đã xảy ra 6 vụ CN vệ sinh bị tai nạn lao động. Trong đó, có một trường hợp đã tử vong. Số trường hợp còn  lại đều bị thương tật, để lại di chứng rất đau xót… Trên tuyến đường Ngô Gia Tự (quận 10), cho đến giờ, nhiều người dân vẫn còn bàng hoàng nhắc lại vụ ông Nguyễn Trọng Ngà – CN quét rác tuyến đường Ngô Gia Tự, đã bị 2 thanh niên đua xe, đánh võng đâm chết, khi ông Ngà đang quét rác bên lề đường… Hay anh Đặng Ngọc Sang, đang khiêng rác lên xe; bất ngờ, một tấm kiếng rơi trúng người, khiến anh Sang tử vong. Tương tự, tại Cty TNHH Dịch vụ công ích quận 4, từng xảy ra một CN bị xe ép rác cuốn vào lồng ép.v.v… Theo ông Nguyễn Văn Quang – Phó GĐ Trung tâm công tác xã hội (LĐLĐ TP HCM): “Ngoài những rủi ro thường thấy, thì người CN vệ sinh còn gặp rủi ro nhiễm HIV/AIDS, do có lúc tiếp xúc với rác thải như kim tiêm, đồ dùng của người bệnh… mà không biết. Vì vậy, CN vệ sinh cần phải được trang bị bảo hộ an toàn, phòng tránh các vết thương trày xước trong quá trình làm việc. Cao hơn hết, CN vệ sinh phải được trang bị kiến thức phòng tránh các loại bệnh dễ nhiễm như HIV…”.

Thầm lặng, đời công nhân quét rác ảnh 1

Làm gì để nâng cao thu nhập cho người CN quét rác?

Theo ông Nguyễn Văn Quân – CN quét rác ở quận 10: “Nếu CN làm cho Cty vệ sinh, thì có lương căn bản với các phí độc hại. Lịch làm việc là phải dậy từ 3 giờ sáng đi gom rác và buổi chiều khoảng 5 giờ quét rác tại các đường phố được phân công. Họ thường làm việc theo tổ. Còn với những CN vệ sinh của các Cty dịch vụ công ích thuộc quận, chuyển xuống hợp tác xã, được thuê khoán, hầu như chỉ đi gom rác buổi sáng và tổ của họ thường hai người là hai vợ chồng”. Làm CN Cty vệ sinh thuộc thành phố, ông Quân cho biết, công việc này rất cực, nhưng thu nhập tốt. Ngoài lương chính và các khoản phụ cấp, ông còn được lợi nhờ thu gom những các loại rác tái sinh như: chai nhựa, giấy bìa, sách báo.v.v… Mỗi tháng cũng được thêm một khoản để ăn sáng, uống cà phê. “Ngoài việc có người cho đồ cũ để bán, chúng tôi còn được lì xì tết, thi thoảng có khách hàng cho thêm tiền bồi dưỡng” - ông Quân nói. Chị Nguyễn Thị Nhung - CN quét rác phường 9, quận 3, cho biết: “Cực nhất là khâu phân loại rác, rất hôi thối khi phải bung những bọc rác ra để lựa. Tuy nhiên, riết rồi cũng quen. Vợ chồng tôi cùng làm nghề quét rác này đã hơn chục năm. Thôi, cực mà có tiền, có thu nhập thêm, sống được là vui rồi”.

Nhiều CN vệ sinh cho biết, thu nhập của họ bình quân khoảng  4,5 – 5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, việc phân loại thu lượm ve chai, phế liệu từ rác cũng giúp họ có thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng. Theo các lao động, mức thu nhập trên cũng tạm đủ sống. Cuối năm, hoặc những ngày lễ, tết, những CN quét rác có thêm nguồn ủng hộ từ các hộ dân trên tuyến đường mà họ quét rác, khoảng  20.000 đồng – 50.000 đồng/hộ, coi như  cũng có thêm nguồn thu để chi phí, sắm sửa tết… Mặt khác, theo các chuyên gia y tế, rác thải chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng gây bệnh phổ biến như: giun sán, ecoli, coliform hoặc các loại kim loại nặng như chì, benzen, thủy ngân… Những người tiếp xúc với rác thường xuyên, nếu không được trang bị bảo hộ tốt, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào da và gây viêm, loét da; các chất hữu cơ dễ bay hơi gây nguy cơ viêm họng, các bệnh về mắt, rối loạn tiêu hóa. Thậm chí, quá trình tiếp xúc lâu dài có thể gây tổn thương đến gan, phổi và các cơ quan khác trong cơ thể.

Ông  Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường lao động TP.HCM – nhận định: “CN vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác dân lập, làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Do đó, người lao động sẽ đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp và tiêu hóa; thậm chí phải đối mặt với các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác nếu tiếp xúc với những vật dụng lây bệnh như:  kim tiêm, ống chích...”. Trong khi đó, theo Sở TN-MT TP HCM, hiện TPHCM có hơn 2.000 tổ thu gom rác dân lập hoạt động trên địa bàn các quận, huyện. Các đơn vị này thu gom khoảng 60% lượng rác thải của toàn TP. Hơn lúc nào hết, hàng ngàn CN vệ sinh-quét rác trên địa bàn TPHCM mong rằng, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ phải được chính quyền, cơ quan chức năng và DN chủ quản quan tâm. Đặc biệt, không chỉ lương, thưởng, các khoản thủ nhập được cải thiện, mà các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… cần được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng ngàn CN vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài và đồng nghĩa, TPHCM sẽ ngày càng sạch sẽ, văn minh và hiện đại hơn.

Thầm lặng, đời công nhân quét rác ảnh 2
CN vệ sinh Cty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM vớt xác cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.