05:56

Tai biến y khoa là vấn đề nóng hiện nay. Bên cạnh những tai biến y khoa do không lường trước được thì có những tai biến do trình độ, năng lực cũng như thái độ thờ ơ, vô cảm của một số cán bộ ngành y trong quá trình chăm sóc và điều trị khiến tính trạng bệnh nặng thêm, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngày 26.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những trả lời thẳng thắn xoay quanh vấn đề này.

Tất cả đều đau xót

Chiều 26.12, trong buổi tiếp xúc báo chí thông tin về công tác y tế năm 2016, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay ngành y tế đang tiến hành thay đổi toàn diện về thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Tuy nhiên, chuyện một số cơ sở y tế xảy ra những tai biến y khoa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành.

Đối với các trường hợp mà Bộ Y tế nắm được thông tin từ các phương tiện truyền thông, Bộ Y tế đều khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh. Vụ mổ nhầm chân ngày 9.7 tại BV Việt Đức, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu – phẫu thuật viên chính cho người bệnh.

Vụ việc cháu Lê Thị Hà Vi (Đắc Lăk) bị cưa chân có thiếu sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu không được xử trí kịp thời, Sở Y tế tỉnh Đắc Lăk đã kỷ luật ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, đồng thời Sở Y tế cũng đưa ra khung xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện này theo nghị định 176 của Chính phủ.

Mới đây nhất là vụ việc hai bệnh nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức ngày 25.12, Bộ trưởng đã thay mặt lãnh đạo ngành y tế, xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất, chia sẻ với mất mát lớn lao của hai gia đình người bệnh. “Bản thân tôi và tất cả những người làm trong ngành y tế đều cảm thấy đau đớn. Tôi tin là không chỉ gia đình, người thân của nạn nhân mà cả phía bệnh viện cũng rất đau đớn về mất mát này”- bà nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ nguyên nhân sự việc với quan điểm xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

“Bảo hiểm trách nhiệm”

Theo bộ trưởng Tiến, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 40/2009/QH12 quy định rất rõ ràng về tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh chữa bệnh cũng dành hẳn Mục 1 Chương 7 để quy định về “Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh chữa bệnh”.

Theo đó, tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh, vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (nhân viên mới, tắc trách…)... Tuy nhiên, tai biến y khoa cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.

Như vậy, có thể nói không phải tất cả các vụ việc xảy ra vừa qua sai sót đều thuộc về phía bệnh viện. “Tai biến có thể là do rủi ro xảy ra ngoài ý muốn. Mà nghề y là một nghề đặc biệt, đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh đều là con người mà con người thì “nhân vô thập toàn”, vì vậy việc xảy ra các tai biến trong quá trình khám, chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra”, bà Tiến cho hay.

Tại Mỹ, đất nước được coi là có nền y học tiên tiến bậc nhất thế giới, sai sót y khoa là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau viêm phổi và ung thư, với số lượng được báo cáo là 251.454 ca/năm, và con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, tuy nhiên các vụ việc tai biến xảy ra được cho là do sai sót chuyên môn vẫn được báo chí đưa tin rất nhiều, mà gần đây nhất là vụ mổ nhầm chân của BV Việt Đức.

Để giải quyết vấn đề trên, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn đó.

Xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện

Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo về vấn đề phòng ngừa, hạn chế và khắc phục sai sót y khoa, chỉ thị về thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh trực tiếp của người dân,…

Theo kiến nghị của Bộ trưởng, cần phải thay đổi tư duy trừng phạt sang khuyến khích động viên báo cáo tự nguyện rủi ro, sự cố y khoa. Quán triệt quan điểm “nhân vô thập toàn”, “học hỏi, rút kinh nghiệm từ sai sót để hạn chế lặp lại từ các cấp lãnh đạo.

Bộ trưởng Tiến cũng mong được Quốc hội ủng hộ, hỗ trợ cho việc thiếp lập tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập. Đồng thời các Bộ ngành và người dân phối hợp cùng Bộ Y tế kiểm tra, giám sát chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Y tế tìm giải pháp để Nghị định 102/2011/NĐ-CP thực sự có hiệu lực, giúp cho người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh trước những nguy cơ, rủi ro, sự cố không mong muốn.

Đặc biệt, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017. .

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.