04:43

Một khối u có trọng lượng khoảng 10kg nằm trong ổ bụng của cụ ông 84 tuổi vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện (BV) K Tân Triều phẫu thuật cắt bỏ thành công.

Bệnh nhân cao tuổi

PGS.TS Phạm Văn Bình- Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp - BV Tân Triều - cho biết, trước đó, bệnh nhân Nguyễn Văn Yết (84 tuổi, ở Mỹ Lộc, Nam Định) đến Bệnh viện K khám với khối u cứng rắn như đá, to vượt mặt, như đang mang bầu 9 tháng với mong ước duy nhất là nhờ bác sĩ giúp cắt bỏ khối u.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện khối u quá lớn, chèn ép khiến cụ Yết đau đớn, ăn không ăn được, ngủ không ngủ được, ngồi cũng không yên. Theo TS Phạm Văn Bình, trước mong muốn của bệnh nhân và người nhà về việc mổ giải thoát khỏi khối u, các bác sĩ rất phân vân, bởi cụ tuổi đã rất cao, khối u lại quá lớn, mổ có thể khiến bệnh nhân chết trên bàn mổ.

“Để thêm, bệnh nhân cũng không chịu được vì u chèn ép, có thể vỡ. Nhưng nếu không can thiệp, người bệnh sống cũng không bằng chết bởi đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt”, TS Bình nói.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm, sinh thiết, bác sĩ xác định ông Yết mắc ung thư tổ chức liên kết mô mỡ. Đây là khối u khổng lồ sau phúc mạc, với kích thước lên đến 45cm chiếm toàn bộ ổ bụng, ôm lấy động mạch chủ bụng, niệu quản, thận bên trái và các mạch máu của cột sống. Do đó, để can thiệp lấy khối u cho bệnh nhân Yết là một điều rất khó khăn, nguy cơ mất máu rất cao, chưa kể bệnh nhân lớn tuổi liệu có đủ sức chịu được một cuộc đại phẫu.

Tuy nhiên, TS Bình cho hay, trước nguyện vọng tha thiết của bệnh nhân và người nhà, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với chuyên khoa tim mạch, chuyên khoa hô hấp và bác sĩ gây mê hồi sức và xác định bệnh nhân đủ sức trải qua một cuộc đại phẫu.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân Nguyễn Văn yết được ê kip các bác sĩ tiến hành vào ngày 14.12. Sau hơn 5 tiếng căng thẳng trong phòng phẫu thuật, các chuyên gia đầu ngành như PGS.TS Nguyễn Đại Bình, TS Phạm Văn Bình, ThS Nguyễn Văn Quỳ - chuyên về gây mê hồi sức và TS Nguyễn Thế Trí đã thực hiện thành công ca phẫu thuật.

Truyền đến 12 đơn vị máu

TS Bình kể lại, do khối u của bệnh nhân quá lớn, cứng, các bác sĩ phải phẫu tích rất tỉ mỉ bằng các phương pháp cầm máu tốt, dự trù các khả năng chảy máu ồ ạt trong ổ bụng có thể xảy ra. Do đó, để kiểm soát từng mạch máu ăn vào khối u và để cắt bỏ ra toàn bộ khối u, các bác sĩ đã phải truyền đến 12 đơn vị máu, bằng lượng máu cơ thể của người bệnh.

“Do bệnh nhân bị ung thư tổ chức liên kết mô mỡ nên phương pháp điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Bệnh nhân không phải trải qua điều trị hoá chất hay tia xạ”, TS Bình chia sẻ.

Khối u được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân nặng khoảng hơn 10kg. Theo TS Bình, đây là một trong những khối u lớn nhất mà họ từng phẫu thuật. May mắn, ca mổ thành công, bệnh nhân diễn biến ổn định, sau 2 ngày mổ đã tỉnh hoàn toàn, sau 1 tuần nữa có thể xuất viện.

Hiện tại, ông Yết đã ngồi dậy được, tự ăn uống được, ông vô cùng xúc động và cảm ơn các bác sĩ đã giúp ông giải phóng được khối u mà ông đã mang nặng trong cơ thể bao lâu nay.

Qua trường hợp này, TS Bình khuyến cáo người dân, khi phát hiện có bất thường, xuất hiện khối u, sự lớn lên bất thường của khối u trên cơ thể nên đi khám sớm, can thiệp sớm để giảm nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật.

Tin bài liên quan

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.