06:03

Hiện nay, Việt Nam ước tính có 128 nghìn người mắc lao phổi (năm 2015), con số đã được phát hiện là 106 nghìn người, như vậy, còn khoảng hơn 20 nghìn người mắc lao vẫn đang còn ở cộng đồng chưa được phát hiện, tiếp tục lây nhiễm. Đây là một trong những thách thức rất lớn của ngành y tế.

Hàng vạn người tử vong do lao

Ngày 14.11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Quốc gia về đào tạo chuyên ngành lao và bệnh phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương.  Bên lề hội nghị này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống lao Quốc gia đã có cuộc trao đổi với PV Lao Động về tình trạng nhiễm lao phổi rất đáng lo ngại trong cộng đồng hiện nay. Ông cho biết: “Tuy rằng so với trước, việc phát hiện và điều trị lao phổi đã có rất nhiều tiến bộ nhưng năm 2015 vẫn còn 16 nghìn người tử vong do lao. Tỉ lệ này đã giảm nhiều so với trước những vẫn còn là rất cao. Con số đó cao hơn gấp rưỡi tai nạn  giao thông”.

Các chuyên gia y tế nhận định: bệnh lao là con đẻ của đói nghèo, đồng thời cũng sinh ra đói nghèo và làm gia tăng sự đói nghèo trong cộng đồng. Hiện nay, việc phát hiện sớm căn bệnh này được xem là vấn đề hàng đầu. Theo GĐ BV Phổi TƯ, hệ thống phát hiện sớm lao phổi được xây dựng từ khoảng 2 năm nay, phấn đấu với những trường hợp lao phổi AFB dương tính chỉ phát hiện trung bình 1 ngày rưỡi. “Với một ngày rưỡi để biết được có kháng thuốc hay không để cho một phác đồ chuẩn xác, hiệu quả. Điều này mang lại lợi ích rất tốt. Thứ nhất là nguồn lây sẽ giảm đi rất nhanh trong bệnh viện, là một hình thức để bảo vệ nhân viên y tế và những người bệnh xung quanh. Với cách tiếp cận này được gọi là FAST- phát hiện nhanh, thực ra gồm 3 cấu phần là phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và phòng chống lây nhiễm”.

Sang năm 2017, chúng tôi cần một phương tiện hiện đại hơn nữa để làm được, với những hỗ trợ từ quốc tế, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống đó trên phạm vi toàn quốc với khoảng 50 nghìn người mắc lao phổi AFB dương tính sẽ được phát hiện trước khi cho thuốc điều trị, xem thực chất có phải họ bị kháng thuốc hay không. Nếu không kháng thuốc  thì điều trị những thuốc thông thường mới có hiệu quả. Nếu lao phổi đã kháng thuốc mà cho thuốc thông thường thì sẽ không có tác dụng gì cả. Có thể nói, đó là một trong những tiến bộ mang tính chất đột phá của Việt Nam.

Vacxin phòng chống lao hiện nay chỉ bảo vệ được khoảng 50%

Đây là thông tin được PGS Nhung chia sẻ khi nói về những hy vọng mới trong việc điều chế vacxin phòng chống lao. Ông cho biết: “Việc phát triển vacxin lao có nhiều con đường khác nhau. Một trong số đó là sử dụng những vi khuẩn chết phối hợp với những tá dược gắn kết vào một số gen tích hợp để tạo ra một vacxin có tác dụng kích thích miễn dịch. Có thể loại BCG là loại vacxin phòng chống lao mà chúng tôi đang dùng, cộng thêm một số yếu tố khác nữa để tăng hiệu quả của nó. BCG hiện nay chỉ bảo vệ được khoảng 50%, cũng không giúp con người tránh được nhiễm lao, mà chỉ tránh được những thể nặng như lao màng não, lao trẻ em, lao kê… Các nước phát triển họ không dùng BCG”

Tuy nhiên, theo PGS Nhung, đáng tiếc cho đến lúc này cũng chưa có một thử nghiệm lâm sàng nào chứng minh được những vacxin mới có hiệu quả cao hơn BCG. Đây là một thách thức rất lớn. Các chuyên gia hy vọng rằng khoảng 3- 4 năm nữa, chúng ta sẽ trông đợi được từ một số những ứng cử viên mới, sẽ có thể làm hiệu  quả phòng ngừa bệnh lao tốt hơn. 

Bên cạnh vacxin, hiện Việt Nam đang đi vào một lĩnh vực dự phòng tương đối lớn là điều trị những trường hợp nhiễm lao ngay từ lúc bị nhiễm, được gọi là điều trị lao tiềm ẩn với những hóa trị liệu mà ví dụ như hiện nay chúng ta đang dùng là INH 9 tháng thì chúng ta đã có những cái phác đồ chỉ có 12 liều, mỗi tuần uống 1 liều là có hiệu năng như viên INH liên tục 9 tháng. "Đây cũng là một trong những bước đột phá. Tôi rất hy vọng Việt Nam sẽ là một trong những nước sớm nhất được sử dụng loại đó để khống chế bệnh lao trong cộng đồng. Chúng tôi hy vọng rằng từ nay đến năm 2020, chúng ta phấn đấu giảm 30% số mắc, 40% số tử vong. Đó là những mục tiêu lớn, hy vọng sẽ mang lại hạnh phúc cho người dân"- PGS Nhung nói. 

Tin bài liên quan


Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.