01:44

Cách đây hơn 1 tuần, anh T (35 tuổi, ở Lai Châu) có mua một con lợn cắp nách của dân bản về trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh, liên hoan bạn bè. 5 ngày sau, anh T sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. 

Ngày 6.1, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết: Bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân N.H.T bị sốc nhiễm trùng nặng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Trước đó, tối 5.1, nam bệnh nhân này được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW trong tình trạng sốt cao, mệt lả, xuất hiện các ban hoại tử trên da.

Qua khai thác bệnh sử được biết, cách đây hơn 1 tuần, anh T có mua một con lợn cắp nách của dân bản bán về liên hoan bạn bè. Anh đã trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh. Tuy nhiên, sau khi ăn 5 ngày, anh T sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử.

Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, hằng năm, tại đây vẫn tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn rải rác ở khắp các địa phương. Phần lớn các bệnh nhân đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn. Vào dịp tết, khi nhu cầu tiêu dùng và hoạt động giết mổ lợn tăng cao, người dân cần cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn lợi. Có những năm, bác sĩ phải vất vả cả đêm giao thừa để cấp cứu bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn nguy kịch.

Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người.

Hơn nữa, ban đầu, bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.

Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện người dân đang có xu hướng ưa chuộng, tìm mua lợn mán ở các vùng núi, trong các bản của người dân tộc vì nghĩ đây là lợn “sạch”. Tuy nhiên, vi khuẩn liên cầu có thể cư trú ở vùng họng con lợn mà không phát bệnh. Do vậy, việc ăn thịt chưa nấu chín, tiết canh từ con lợn này, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Tin bài xem thêm

 

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.