02:28

Không báo ngay cho gia đình biết sau khi em bé bị muỗng đâm vào họng mà tìm cách lấy chiếc muỗng ra, đến chiều, thấy bé bị sưng to vùng cổ, người bảo mẫu mới gọi cho gia đình tới đón bé. Cháu bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trong tình trạng có đường rách thực quản dài gần 7cm, tràn khí và nhiễm trùng nặng vùng cổ ngực.

Chiều 16.1, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thông tin về ca bệnh của bé gái N.N.P.D (sinh năm 2015, ở Phú Yên).  BS Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, bé D được đưa đến bệnh viện vào ngày 25.12.2016. Lúc nhập viện, vùng cổ bé không trầy xước nhưng sưng rất to. Người nhà cho biết, trước đó 2 ngày, bé đi nhà trẻ và bị muỗng đâm vào họng. Các bác sĩ đã cho bé đi CT ngay và phát hiện những tổn thương vô cùng nặng nề. Bé bị tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn dịch màng phổi. Với tình trạng tiên lượng “không mấy sáng sủa”, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp ngay cho bé.

Các bác sĩ đã tạo đường mổ xẻ dọc cổ em bé nhằm bộc lộ hết tất cả những khoảng trống trong cổ họng, trung thất của bé. Lúc phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy bé đã bị nhiễm trùng vùng cổ, ngực rất nặng. Đường thực quản bé rách đến 7cm. Bác sĩ  phải dẫn lưu toàn bộ mủ ra ngoài. Sau đó, bé được thay băng, súc rửa thường xuyên trong suốt 10 ngày. Theo BS Huy, với một em bé quá nhỏ, mỗi lần thay băng, bác sĩ phải đưa bé vào phòng mổ, dùng thuốc an thần để bé ngủ. Sau đó, bác sĩ phải thám sát và lấy những gì còn sót lại trong thực quản bé rồi súc rửa, sát trùng thật kỹ. Em bé bị nhiễm trùng nặng bởi suốt 2 ngày di chuyển và chuyển viện, bé vẫn được gia đình cho ăn uống.

Sau khi thấy vết rách thực quản của em bé không thể lành được, bé được chuyển xuống khoa Ngoại của Bệnh viện để phẫu thuật. BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện, đã khâu thực quản cho bé. Để tránh nhiễm trùng, bé được mở dạ dày ra da và truyền thức ăn vào dạ dày bằng ống thông.  

BS Hiếu cho biết, 3 ngày nay, sức khỏe bé đã ổn. Vết rách ở thực quản có khả năng phục hồi rất khả quan. Nếu cứ tiếp tục ổn định như thế này, vài ngày tới, bé sẽ được rút ống thông và tập ăn bằng đường miệng. Bác sĩ hi vọng bé có thể xuất viện sớm và về nhà, ăn tết đúng nghĩa.

Anh Nguyễn Hữu Chiến, cha bé D, cho biết, khoảng 3 giờ chiều 23.12.2016, anh được cô bảo mẫu của bé gọi đến đón con. Đến nơi, anh thấy cổ bé sưng to. Hỏi bảo mẫu, cô này cho biết, vào khoảng 9 giờ sáng, bé bị muỗng đâm vào họng. Cô đã tự rút muỗng ra. Vì quá lo cho con, anh Chiến không hỏi gì thêm mà vội chở con đến bệnh viện gần nhà. Tại đây, bác sĩ không dám can thiệp mà cho chuyển lên bệnh viện tỉnh. Gia đình cho bé lên Bệnh viện tỉnh Phú Yên, bác sĩ thấy tình trạng nặng nên cũng cho xe cứu thương đưa cháu vào TPHCM để nhập viện Nhi đồng 1. Theo anh Chiến, vì vợ chồng anh đều quá bận nên phải gửi con cho 1 bảo mẫu khoảng 40 tuổi ở gần nhà giữ giúp khi bé chỉ hơn 1 tuổi. Người bảo mẫu này giữ trẻ tại nhà chứ không mở lớp và chỉ giữ 3 cháu.

BS Nguyễn Thế Huy cho rằng: “Nhìn vết thương cháu, tôi vẫn không hiểu nổi bé bị muỗng đâm kiểu gì, ở tư thế nào. Ở Bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận trẻ bị sóc muỗng, đũa… nhưng cùng lắm bé chỉ bị đâm vào vùng họng, rách amidan, không có ca nào tới mức bị đam xuống thực quản và rách đường dọc dài như thế. Tôi đoán bé ngậm muỗng và chúc đầu xuống khiến muỗng đâm sâu vào họng”.

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.