03:52

Thống kê mỗi năm, Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Các bác sỹ phải vô cùng vất vả để điều trị ngộ độc nấm, chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức cấp cứu, giải độc với chi phí tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.

Tỷ lệ tử vong trên 50%

Theo Th.s. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, khoảng thời gian Đông Xuân số lượng bệnh nhân bị ngộ độc nấm nhập bệnh viện Bạch Mai tăng. Do thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho nấm phát triển. “Tỷ lệ tử vong do nấm độc thường rất cao, thường hay xảy ra với đồng bào dân tộc (Hà Giang, Cao Bằng…). Nguy cơ tử vong do ăn phải nấm độc khoảng trên 50% ca nhập viện. Đã từng có gia đình sau khi cất nhà xong vào rừng hái nấm thết đãi mọi người. 9 người trong gia đình đó ăn nấm thì 8 người tử vong, chỉ còn một cậu bé may mắn sống sót”.

Mùa xuân với thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Với tập quán đi rừng, bà con vùng núi thường hái rau quả trên rừng về ăn, trong đó có nấm mọc dại. Giai đoạn tháng 4, tháng 5 hàng năm thường có nhiều người ngộ độc nấm nhập viện cấp cứu chính vì lý do này.

Nhiều người cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng ăn được nhưng trên thực tế có bệnh nhân ăn loại nấm bị kiến đục khoét vẫn bị ngộ độc và tử vong.

Các bác sỹ của Việt Nam đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu về các loại nấm chứa độc. Chỉ riêng tỉnh Cao Bằng – địa bàn miền núi trước đây có nhiều người ngộ độc nấm, đã phát hiện ra 13 loại nấm có thể gây độc. “Chúng tôi đã thu thập các mẫu nấm độc này, mang về xét nghiêm, thử nghiệm trên thỏ, chuột rồi giải phẫu, phân tích các cơ quan phổi, gan, thận, lách… xem tổn thương do nấm độc gây ra như thế nào và chúng tôi tìm ra câu trả lời vì sao con người lại chết vì ngộ độc nấm nhanh đến thế”- TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung Tâm Chống độc- BV Bạch Mai, một chuyên gia nghiên cứu về ngộ độc nấm chia sẻ.

Theo TS. Dũng, ngộ độc nấm thường xảy ra ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn. Mặc dù trong những năm qua, các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng rất nhiều lần song thông tin đến bà con vùng xa vẫn rất khó khăn, họ hầu như ít hoặc chưa hề được tiếp cận thông tin về các loại nấm gây độc.

Bên cạnh đó, do tập quán đi rừng hái rau, nấm về ăn, bà con hái phải nấm hoang dại, có độc, nên khi ăn thường cả gia đình đều bị ngộ độc. Có những hậu quả hết sức nặng nề, hơn một nửa gia đình hoặc thậm chí gần như cả nhà bị chết vì ngộ độc nấm. Trước thực tế đau đớn đó, các bác sĩ chống độc đã phải lặn lội đến tận bản làng miền núi xa xôi để tuyên truyền cho người dân bằng trực tiếp các loại nấm độc tìm trên địa bàn chứ không chỉ trên hình vẽ. Do các loại nấm có thể có độc chất giống nhau nhưng hình thái khác nhau, đòi hỏi các cán bộ y tế phải xuống tận địa bàn tìm hiểu và phổ biến cho người dân mắt thấy tai nghe.

Sau nhiều năm truyền thông trực tiếp, tỉ lệ bệnh nhân ngộ độc nấm và tử vong đã giảm hẳn. Từ chỗ 81 người ngộ độc (2003-2009) xuống còn 12 người (2009-2014); số người chết do ngộ độc nấm chỉ có 1 người.

Ngộ độc nấm - nỗi kinh hoàng trong mùa xuân ảnh 1
Bệnh nhân bị ngộ độc nấm cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) Ảnh: BSCC

 

Nấm cực độc chết người gây độc chậm sau 6 tiếng

BS Dũng cho biết rất khó có thể phân biệt được nấm độc và không có độc tố. Vì nấm độc cũng có nón, thân, dễ giống như nấm không độc. Thậm chí có một số loại nấm độc tán trắng có hình dáng màu trắng trông rất đẹp và rất ngon. Người bị ngộ độc nấm thường có những dấu hiện về đường tiêu hóa sau khi ăn bị nôn, ỉa chảy. Những loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn. Ngộ độc các loại nấm này chỉ cần truyền dịch sẽ khỏi.

“Những loại nấm có những biểu hiện muộn sau 6 tiếng lại rất nguy hiểm dễ mất mạng. Bởi vì, triệu chứng của nó thường mơ hồ có đi ngoài, nôn nhưng tự cầm sau đó. Khi các triệu chứng quay lại có thể gây tổ thương gan, thận suy đa tạng và tử vong. Đã từng có gia đình 5 người tại Thái Nguyên cả nhà nhập viện tỉnh táo. Nhưng sau đó vài giờ đã có những tổn thương gan”, Ts. Dũng nói.

Trong nấm chất gây ngộ độc mạnh dẫn đến tử vong là do chất amatoxin. Bệnh nhân ăn phải loại nấm có chứa amatoxin sau 6 giờ mới xuất hiện triệu chứng, gây chảy máu, tổn thương gan, chết do suy đa tạng. “Để tránh ngộ độc người dân tuyệt đối không nên ăn nấm lạ. Không ăn các loại nấm hái trên rừng, trên đồng ruộng. Đầu xuân mọi người thường đi du lịch nhiều vì vậy không nên mua nấm rừng về ăn. Ngay cả khi loại nấm đó được giới thiệu là nấm hương rừng…”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Khi bị ngộ độc nấm cần gây nôn sau đó uống nhiều nước, chú ý chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh táo sau đó đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. Có nhiều cách gây nôn nhưng theo kinh nghiệm của các bác sỹ, nên gây nôn bệnh nhân bằng cách dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi sẽ gây nôn ngay lập tức. Có thể giải độc bằng than hoạt tính nhưng phải chú ý không để bụi than sặc vào phổi.

Sau khi sơ cứu bệnh nhân xong nên đứa bệnh nhân tới bệnh viện và nếu có thể thì mang theo loại nấm đã từng ăn để nhân viên y tế có thể nhận diện được độc tố trong loại nấm đó, tìm cách giải độc phù hợp. Tuyệt đối không sử dụng phương cách dân gian là đốt 1 phần loại nấm gây ngộ độc cho bệnh nhân uống. Đây là cách làm phản khoa học.

 

Tin bài liên quan

 

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.