20:04

Không phải ngẫu nhiên, người ta đã ví von những sơ  (tiếng Anh là Soeur – nữ tu theo đạo Thiên Chúa giáo) phục vụ tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), là những người mẹ nhân ái của các bệnh nhân HIV đang được điều trị tại đây. Những người mẹ nhân ái ấy vẫn thầm lặng ngày đêm, chăm sóc cho bao phận người đang kề cận giữa sự sống và cái chết… Họ, từng ngày, từng giờ thắp lên trong những số phận bất hạnh kia một niềm tin, nỗi khát khao vươn lên trong cuộc sống, đẩy lùi thần chết.v.v…

Những người mẹ nhân ái giữa Bệnh viện Nhân Ái

Vào những ngày cuối năm Bính Thân, chúng tôi đến thăm Bệnh viện Nhân Ái, thuộc xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Vùng đất thuộc xã heo hút nhất của tỉnh Bình Phước – cách TPHCM gần 300 km,  đã đón chúng tôi trong cái lạnh se se và một không gian thoáng đãng, hiu hắt đến lạ lùng. Bệnh viện Nhân Ái càng thêm yên tĩnh, lặng lẽ. Nó đúng là cái bệnh viện dành riêng cho người nhiễm HIV (gọi tắt là H.). Bao năm qua, đây là ngôi nhà đặc biệt dành riêng cho những người nhiễm H. giai đoạn cuối. Lẽ thường, bệnh nhân nơi đây, mỗi khi tiếp xúc vẫn còn e ngại, mặc cảm, vì mang căn bệnh thế kỷ. Niềm san sẻ cuối cùng của họ ở bệnh viện này, là tấm lòng của 8 nữ tu và các y bác sĩ đang làm việc tại đây.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là sơ Lê Thị Xoài. Sơ Xoài 60 tuổi, thế nhưng đã nhiều năm qua, sơ Xoài vẫn âm thầm thắp lửa cho những con người có số phận bất hạnh. Sơ Xoài kể: “Trước khi về công tác ở Bệnh viện Nhân Ái, sơ đã có thời gian dài làm y tá tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Thủ Đức (TP HCM).

Nghỉ hưu chưa được bao lâu, nhưng trong lòng lúc nào cũng nghĩ về những phận đời bất hạnh, lầm đường lạc bước, nên sơ tình nguyện đến Bệnh viện Nhân Ái này”. Sơ Xoài cho biết, việc mở lòng gắn bó với bệnh nhân H., không đơn giản như với bệnh nhân của các loại bệnh khác. Ngót gần cả cuộc đời lăn lộn với nghề, nhưng mới đầu tiếp xúc với các bệnh nhân có H., sơ Xoài vẫn thấy lạ lẫm... Nhưng rồi cảm giác ấy dần quen, cái xa lạ nhường lại cho lòng cảm thông, xót thương vô tận… “Những con người sơ gặp đều có hoàn cảnh riêng. Mỗi người một nỗi khổ khác nhau. Nhiều người trong số họ lầm lạc trong cuộc sống, bên cạnh đó, vẫn có người không chệch hướng; nhưng do hy hữu gặp sự cố, mà phải chịu nỗi đau mang bệnh” -  sơ Xoài nói.

Cảm thương những số phận trên, hàng ngày, sơ Xoài vẫn âm thầm, tận tình hướng dẫn các bệnh nhân kết đan những hạt cườm, kiếm thêm thu nhập và chăm sóc họ như đứa trẻ con bé bỏng.  Sơ Xoài xúc động chia sẻ: “Các cháu đều có chung một căn bệnh. Đó là nỗi đau mà suốt đời họ day dứt mang theo.  Sơ chỉ nghĩ đơn giản, ai cũng phải giã từ cõi đời. Nhưng điều đáng sợ nhất là sự vô cảm trước nỗi đau của nhiều người. Tình yêu thương đã thúc giục sơ phải dịu dàng và bao dung hơn khi bên cạnh những số phận  ấy”. Thấm thoát  đã hơn 6 năm ròng, sơ Xoài gắn bó với các bệnh nhân nơi đây.  Sơ chỉ mong làm chỗ dựa tinh thần, thắp sáng khát vọng sống dường như đã tắt trong họ. Sơ Xoài chia sẻ:  “Ở đây, các em không giấu gì sơ cả. Mình cứ sống chan hòa, thì các em sẽ tự cởi bỏ mặc cảm, mở lòng mình để chia sẻ với mình thôi”.

Tương tự sơ Xoài, sơ Vũ Thị Minh Đức năm nay 67 tuổi. Thay vì nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già, thì sơ Đức lại hăng hái, không khác gì thời thanh xuân. Sơ tình nguyện lên chốn rừng thiêng, nước độc này để làm việc thiện. Sơ Đức từng làm điều dưỡng ở Bệnh viện nhân dân Gia Định (TP HCM) và Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Nhiều năm qua, công việc thường ngày của sơ Đức là trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân H. Sơ an ủi, động viên các bệnh nhân trong những giờ phút cuối cuộc đời họ... Mặc tuổi già sức yếu, nhưng từ việc cho họ uống thuốc đến tắm rửa, vệ sinh cho các bệnh nhân, sơ Đức vẫn không  quản khó nhọc. “Những con người đến đây  từ trăm ngã, với biết bao số phận đau khổ, tủi nhục… Nhưng đa số, họ chung cảnh ngộ, gia cảnh nghèo khó, họ bị  nhiều người cười chê, xa lánh.v.v… Mỗi cuộc đời là một số phận đang chịu dày vò về tinh thần lẫn thể xác. Vì vậy, khi chăm sóc họ, đòi hỏi các tu sĩ, y bác sĩ phải có tấm lòng yêu thương và coi nỗi đau của họ như là của mình” – sơ Đức tâm sự.

Trẻ hơn sơ Xoài và sơ Đức, sơ Ngô Thị Diễm Trang mới 37 tuổi. Thế nhưng, sơ Trang đã hơn 10 năm chăm sóc người nhiễm H.  Điều sơ Trang trăn trở là làm thế nào để nâng cao chất lượng bữa ăn cho những bệnh nhân nghèo. Sơ Trang chia sẻ: “Điều khó khăn đối với các bệnh nhân nơi đây là nguồn hỗ trợ kinh phí còn hạn chế. Mỗi bữa ăn vỏn vẹn chỉ 15 ngàn đồng/người,  nên không ít bệnh nhân ăn xong, vài tiếng sau, dạ dày đã lép kẹp”.

Nhìn cảnh ấy, sơ Trang không ít lần xót xa, rơi nước mắt. Suy nghĩ về một bữa ăn đảm bảo về dinh dưỡng đã trở thành nỗi đau đáu trong tâm trí sơ Trang. Vì thế, sơ Trang cùng với các y bác sĩ ở bệnh viện tích cực tăng gia, trồng thêm rau xanh để bữa ăn cho bệnh nhân từng ngày được cải thiện… Và rồi, đến hẹn lại lên, tháng nào cũng vậy, bệnh viện làm công văn xin gạo, tiền để mua thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho bệnh nhân. Mỗi khi xong công việc, sơ Trang lại xắn tay áo lau dọn phòng ở cho người bệnh. Sơ Trang cho biết: “Tôi chỉ muốn góp chút công sức nhỏ nhoi của mình mong cho các em được sống vui, có ích trong những ngày tháng còn lại. Và, tôi cũng mong các em hiểu và trân trọng ý nghĩa của cuộc sống. Tình người vẫn bên các em, sưởi ấm những phận đời như các em cho đến giây phút cuối cùng. Để các em hiểu rằng, các em vẫn ở đây, vẫn biết mình đang tồn tại”.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Bích H., nhận xét: “Các sơ hầu hết tuổi đã cao, nhưng sẵn sàng vượt hàng trăm cây số để đến đây khiến chúng em rất cảm động. Ở đây ai cũng giống ai, hầu hết đều thiếu thốn tình cảm, rất cần người thân, cần người động viên và các sơ là những người thân duy nhất của chúng em lúc này. Mấy sơ không phân biệt kỳ thị, thấy bệnh nhân lở loét, các sơ không xa lánh, sẵn sàng dấn thân vào chăm chút cho từng người. Các sơ thật sự là những người mẹ nhân ái của chúng em”.

Mẹ nhân ái của những bệnh nhân HIV ảnh 1
Nơi đây, các bệnh nhân vơi bớt bao nỗi đau, lạc quan và yêu cuộc sống hơn.

Tình người ở lại

Nhiều người bị H., khi chuyển dần về giai đoạn cuối, tinh thần ngày thêm khủng hoảng, bức bách.v.v…  Sơ Xoài nói:  “Họ quằn quại trên giường bệnh, suy nghĩ về cái chết trong nỗi cô đơn và lạnh lẽo. Nhất là việc họ phải đối diện và ám ảnh với giây phút cận kề, trước khi sang bên kia thế giới, mà không có người thân bên mình”. Thấu hiểu được nỗi đau ấy, các y, bác sỹ bệnh viện luôn sẵn sàng bên cạnh họ. Mỗi khi bệnh tái phát, họ được  các y bác sĩ tìm đủ mọi cách cấp cứu. Các sơ thành tâm nguyện cầu, đọc kinh sám hối. “Vì vậy mà tâm của họ cũng vững hơn, người may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, còn người xấu số thì ra đi một cách bình thản” - sơ Trang cho biết.

Cuộc sống của bệnh nhân trước đây khi vào viện gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ cái ăn, cái uống đến tình cảm. Đến nay, bữa ăn ở Bệnh viện Nhân Ái đã phong phú hơn nhiều và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Trước đây, bữa ăn mỗi ngày có 30.000 đồng/người; thì nay, bữa ăn đã được nâng lên 60.000 đồng/ngày/người và có bữa ăn phụ.  Bệnh nhân Nguyễn Thị H. - quê ở miền Tây,  có hoàn cảnh khó khăn, không may nhiễm H.  H. mất cha mẹ từ nhỏ, nên được các sơ đưa vào đây từ năm 2001. H., tâm sự: “Mười lăm năm qua được đưa vào đây, em thấy cuộc sống của mình vẫn còn ý nghĩa.  Hằng ngày em được dạy kết hạt cườm trang sức, làm giỏ để bán … Từ một người lầm lạc, bị mọi người ruồng bỏ, đến nay, bệnh viện và các nữ tu sĩ đã đem lại nhiều niềm vui cho em trong cuộc sống”.

Với anh Hoàng Thái L., cũng đã được 12 năm chung sống ở mái nhà này. Anh L. xúc động nói: “Suốt thời gian qua, tôi được các nữ tu sĩ chăm sóc, tắm rửa, bón từng miếng cơm, được động viên an ủi rất nhiều.  Cuộc sống của tôi có thêm một ngôi nhà, với những người cùng cảnh ngộ. Tôi trân trọng và biết ơn những nữ tu nơi đây, coi họ như người mẹ thứ 2 trong đời mình”. Bệnh nhân Lê Thị L., thì chia sẻ: “Nơi đây có nhiều phận đời lầm lạc, bất hạnh giống như em. Do mắc phải căn bệnh thế kỷ, nên bị kỳ thị, khinh miệt đã khiến em rất tủi thân. Từ ngày vào đây, em được ăn uống, vui chơi và sinh hoạt chung với các sơ nên cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Em không cha mẹ nên tình thương của các sơ, em coi giống như tình mẫu tử. Những tâm sự thầm kính nhất, em cũng không ngại ngần khi chia sẻ với các sơ, để nhận được sự cảm thông, niềm động viên an ủi”.

Ông Phan Thanh Vũ - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái – cho biết: “Các sơ đã không ngại khó để đến đây cùng tập thể y bác sĩ bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Họ làm việc rất tận tâm. Từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến khi bệnh nhân giã từ cuộc sống. Vì thế, chúng tôi giống như một gia đình sống chung dưới một mái ấm vậy”. Hơn 10 năm qua, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H. đã có những thay đổi đáng kể.  Nhưng nỗi sợ hãi vì bị xa lánh, hắt hủi vẫn đeo đẳng, ám ảnh những người bị H.. Song, với những việc làm của các sơ, các y bác sỹ ở Bệnh viện Nhân Ái, ít nhiều đã xoa dịu nỗi đau cho không ít phận đời bất hạnh ở vùng biên ải heo hút này.  

Tin bài liên quan

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.