20:48

Bệnh thủy đậu (dân gian còn gọi là trái rạ) đang “vào mùa” với số ca mắc đang tăng nhanh trên cả nước. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM ghi nhận nhiều em bé dưới 3 tháng tuổi bị lây bệnh thủy đậu từ mẹ.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh thủy đậu đang bắt đầu vào mùa, đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 4, 5. Mặc dù chưa thống kê được số ca đến khám và điều trị ngoại trú nhưng tại từ đầu năm đến nay, số ca mắc thủy đậu phải điều trị nội trú tại khoa Nhiễm – thần kinh đã là 24 ca. Đặc biệt, khoa hiện đang điều trị cho 1 em bé 20 ngày tuổi bị lây bệnh từ mẹ. Người mẹ cho biết đây là lần đầu tiên mắc bệnh và cũng chưa chích ngừa vaccine thủy đậu. Ngoài trường hợp này, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những em bé dưới 3 tháng tuổi bị lây bệnh thủy đậu từ mẹ. Nhiều em bé cũng mắc thủy đậu dù đã tiêm ngừa 1 liều vaccine.

Theo giải thích của BS Khanh, bệnh thủy đậu có đặc tính lây lan rất nhanh. Trong môi trường khép kín (như gia đình, trường học, công ty…), nếu có 1 người mắc bệnh thủy đậu thì các thành viên khác rất dễ lây nếu không có biện pháp phòng ngừa và cách ly kịp thời.

Chích ngừa vaccine là biện pháp phòng ngừa một cách chủ động và hiệu quả. Tuy nhiên, theo BS Khanh, tại các nước phát triển, thủy đậu được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia và chỉ cần chích ngừa 1 mũi là đủ. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc chích ngừa thủy đậu diễn ra lẻ tẻ nên “virus hoang dã” vẫn lưu hành. Vì thế, để đảm bảo miễn dịch, phụ huynh nên cho trẻ chích 2 mũi, mũi 1 lúc bé 12 tháng tuổi và mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 3 tháng. Việc tiêm mũi nhắc lại là rất cần thiết, đặc biệt trong trường hợp xung quanh có nhiều người mắc bệnh thủy đậu.

BS Khanh khuyến cáo, người càng lớn tuổi mắc thủy đậu sẽ càng nặng, phụ nữ trước khi mang thai 1-2 tháng nên chích ngừa thủy đậu. Trong trường hợp chích ngừa xong mới biết có thai thì cũng không nên quá lo lắng vì gần như không có ảnh hưởng gì đến thai nhi. Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể chích ngừa thủy đậu bình thường. Đặc biệt, bệnh thủy đậu dễ tấn công những em bé bị bệnh lý thận hư, ung thư máu. Nếu các bé mắc bệnh thường rất nặng và dễ xảy ra biến chứng vì miễn dịch kém. Do đó, bé mắc bệnh lý này, phụ huynh càng cần chủ động tiêm ngừa vaccine thủy đậu cho con. Đặc biệt là thời điểm trước khi bé bước vào điều trị hóa chất.

Bên cạnh quan niệm chích ngừa sai lầm, theo BS Khanh, có rất nhiều quan niệm sai lầm khi chữa thủy đậu như kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn… Việc không tắm, ủ ấm cho trẻ sẽ khiến cho bệnh càng nặng thêm, dễ dẫn đến nhiễm trùng và biến chứng. Nhiều người còn lấy gốc rạ tắm hoặc đốt để lấy nước uống sẽ dễ dẫn đến ngộ độc.

Khả năng phát tán virus thủy đậu ra môi trường xung quanh rất lớn, 2-3 ngày trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng nổi mụn nước và kéo dài 3 tuần sau khi các mụn nước đã khô. Vì thế, phòng ngừa và điều trị thủy đậu càng sớm càng tốt, không nên để đến lúc bệnh “vào mùa” rồi mới đi chích ngừa. Bởi vaccine thủy đậu cần một thời gian mới phát huy tác dụng và đổ xô đi chích vào mùa dịch sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm vaccine.

Thủy đậu là bệnh chỉ bị 1 lần trong đời. Đây cũng là bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như nhiễm trùng da, nhiễm virus herpes… Một đặc tính để phân biệt với những bệnh này là nốt thủy đậu nổi rất nhanh. Nốt rạ có thể lan khắp người trong vòng vài giờ đồng hồ. 

Tin bài liên quan

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.