19:00

Ghi nhận của PV tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu gia tăng đáng báo động. Theo các bác sĩ, đây là câu chuyện “đến hẹn lại lên”, là tình trạng thường xảy ra sau mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Hôn mê, tử vong vì rượu

BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Chống độc tiếp nhập 12 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (1 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca ở Hưng Yên, 1 ca ở Hà Nội).

Trong số 3 ca ngộ độc nặng trên, có 2 ca người nhà xin về tử vong, còn 1 ca đã cứu sống được nhưng bị tổn thương mắt, hiện vẫn đang điều trị. Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol.

BS Nguyên cho biết, trong số 3 ca ngộ độc nặng trên, duy nhất có 1 ca ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc và cứu sống được. Đó là bệnh nhân tên T.V.T. (sinh năm 1966, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Bệnh nhân T. có tiền sử nghiện rượu, trước khi nhập viện, bệnh nhân có mua rượu ở quán để uống.

Sau khi uống 3 ngày liền, bệnh nhân T. cảm thấy người mệt mỏi, mắt nhìn mờ, nôn nhiều và được người nhà đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Vĩnh Yên, sau đó chuyển xuống Trung tâm trong tình trạng tụt huyết áp, phải dùng thuốc trợ tim. Sau khi được cấp cứu, dùng thuốc giải độc, truyền máu, tình trạng bệnh nhân ổn hơn, nhưng vẫn bị mờ mắt.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.N.V  (sinh năm 1970, ở Hưng Yên) nhập viện ngày 28.1. Trước khi nhập viện, bệnh nhân V. uống rượu ở nhiều nơi, có tiền sử nghiện rượu, khi về nhà bị co giật, được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc.

“Khi đến Trung tâm Chống độc, bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê, rối loạn máu. Dù được các bác sĩ cứu chữa, nhưng huyết áp vẫn tụt, sau hơn 2 ngày điều trị bệnh nhân tổn thương não, được người nhà xin đưa về”, BS Nguyên cho biết.

Cuối cùng là bệnh nhân N.T.O., (sinh năm 1949, ở Thanh Trì, Hà Nội) nhập viện ngày 30.1. BS Nguyên cho biết, trước khi nhập viện bệnh nhân uống rượu nhiều nơi, khi hôn mê được người nhà đưa vào BV Nông nghiệp cấp cứu, sau đó chuyển lên Trung tâm Chống độc. Khi đến trung tâm, huyết áp tụt, rối loạn máu, sau khi lọc máu, chạy thận..., bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, gia đình xin về nhà chờ tử vong.

Từ các ca ngộ độc trên, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt là những những ngày tới đây khi mùa lễ hội cũng như việc gặp mặt đầu năm triền miên.

“Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là chính quyền các địa phương cần phải quản lý chặt các nguồn rượu, đặc biệt là các loại rượu cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ”, BS Nguyên cho hay.

Rượu và những con số đau lòng

Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, trong 7 ngày tết, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 4.474 trường hợp, trong đó 550 trường hợp được xác định nguyên nhân do rượu bia. Trong số này có 20 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, cấp cứu tai nạn giao thông cũng luôn nóng bỏng tại các cơ sở y tế trong những ngày tết. Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế trong đợt nghỉ tết vừa qua, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là gần 35.800 trường hợp ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện và theo lời khai của người bệnh, người nhà người bệnh. Trong đó, có 19.5727 trường hợp va chạm nhẹ được xử trí và cho về trong ngày, 11.454 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và gần 2.300 trường hợp phải chuyển tuyến điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 160 trường hợp, giảm 64 trường hợp so với năm 2016.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, các bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận hơn 1.000 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó có hơn 400 người bị ngộ độc rượu.

Bác sĩ Lê Quang Trí (Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong 2 ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, khoa đã tiếp nhận 169 người nhập viện cấp cứu, trong đó có ¼ bệnh nhân cấp cứu do chảy máu đường tiêu hóa do rượu, nhập viện trong tình trạng không tỉnh táo và vẫn còn hơi men. Như vậy, trong những ngày tết, vấn đề ngộ độc rượu rất đáng được quan tâm. Ngày mùng 3 Tết, Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tục tiếp nhận 16 trường hợp bị ngộ độc rượu và nôn ra máu.

Thời gian qua, bất chấp việc các bác sĩ, các chuyên gia liên tục cảnh báo, tình trạng uống rượu bia quá mức dẫn đến ngộ độc rượu vẫn cứ diễn ra. Nguy hiểm hơn là không chỉ có loại rượu methanol cực độc mà ngay cả rượu bình thường, nếu uống nhiều dẫn đến ngộ độc thì vẫn phải đến bệnh viện cấp cứu.

Còn tại điểm “nóng” là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ Nguyễn Văn Minh (phòng Khám cấp cứu của bệnh viện) cho biết, theo thống kê của phòng Khám cấp cứu, trong 5 ngày tết, từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 Tết, đã có 724 lượt bệnh nhân đến thăm khám, cấp cứu. Trong đó, có 423 ca liên quan đến tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng 2 ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, số ca bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông là 104 trường hợp. Trong đó, hơn 22 trường hợp bị tai nạn giao thông do chấn thương nặng nên gia đình đã làm thủ tục xin ra viện về lo “hậu sự”.

Tin bài liên quan

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.