23:48

Sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ trong chính sự yếu đuối của mình. - Ralph Wildo Emerson

 

Hồi còn nhỏ tôi có một người hàng xóm mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ Gibbs. Ông không giống như bất kì bác sĩ nào tôi từng biết. Mỗi lần gặp ông, tôi đều thấy ông mặc bộ quần áo rộng thùng thình được may bằng vải bông chéo, đầu đội chiếc mũ rơm lụp xụp có máng chiếc kính mát bằng nhựa màu xanh lục ở vành trước.

Ông luôn miệng cười, nụ cười ấy rất xứng với cái nón ông vẫn thường đội, cũ kỹ, nhàu nát và sờn rách. Ông chẳng bao giờ la mắng khi thấy bọn trẻ chúng tôi vui đùa trong sân vườn nhà ông. Nhắc đến ông, tôi chỉ nhớ đấy là một người rất tử tế chứ chẳng nhớ lắm đến những chi tiết vụn vặt khác.

Khi không còn làm việc nữa, ông bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc trồng cây. Nhà ông tọa lạc trên một cánh đồng rộng mười mẫu, và mục tiêu của đời ông là biến nó thành một khu rừng.

Vị bác sĩ hiền lành ấy có những lý thuyết trồng cây thật thú vị. Ông đã từng tham gia vào một trường đào tạo về nghệ thuật trồng cây với phương châm “không khổ luyện, không thành quả” mà. Không bao giờ ông tưới nước cho những cây mới sinh trưởng, ngược hẳn với sự hiểu biết thông thường. Một lần tôi thắc mắc hỏi ông vì sao như vậy, ông giải thích rằng tưới nước như thế sẽ làm chúng sinh ra hư hỏng, và thế hệ cây kế tiếp sẽ ngày một yếu đi. Vì thế cần phải tập cho chúng đối mặt với khắc nghiệt. Cây nào không chịu nổi sẽ bị nhổ bỏ ngay từ đầu.

Rồi ông giải thích rằng tưới nước cho cây cũng sẽ khiến rễ của nó mọc ngày càng nông trên mặt đất, và rằng những cây bị khô hạn thì sẽ phải tự bén rễ sâu mà tìm nguồn nước. Tôi hiểu ý ông muốn nói rằng rễ cây bám sâu vào mặt đất thì cây sẽ vững chắc và dễ thích nghi.

Thảo nào, chẳng bao giờ tôi thấy ông tưới cây cả. Ông trồng một cây sồi, mỗi sáng thay vì tưới nước, ông lấy tờ báo cuộn tròn lại và đập vào nó: Bốp! Bốp! Bốp! Tôi hỏi ông tại sao thì ông trả lời: Để nó chú ý.
Bác sĩ Gibbs từ giã cõi đời chỉ vài năm sau khi tôi rời gia đình mình để đi làm ăn xa. Giờ đây, mỗi khi đi ngang nhà ông, tôi vẫn ngắm nhìn những hàng cây mà tôi từng thấy ông trồng 25 năm về trước. Những thân cây ngày ấy nay đã lớn mạnh và tràn trề sức sống. Như những thanh niên cường tráng, mỗi sáng thức dậy, chúng tự hào ưỡn ngực và uống những tách cà phê đen đắng nghét.

Mấy năm sau tôi cũng tự trồng lấy cho mình vài cây xanh. Mỗi khi vào mùa hè cháy nắng, tôi xách nước, tưới và cầu nguyện cho chúng. Chúng cao gần chín mét sau hai năm, nhưng là những thân cây luôn dựa dẫm vào bàn tay người chăm bẵm. Chỉ cần một ngọn gió lạnh lướt qua, chúng đã run rẩy và đánh cành lập cập - trông chẳng khác gì những kẻ yếu đuối.

Những cây trồng của bác sĩ Gibbs rất ngộ nghĩnh và thú vị. Nghịch cảnh và sự túng thiếu lại khiến nó phát triển mạnh mẽ và tự lập, những điều mà sự thuận lợi và dễ dàng có thể chẳng bao giờ đem lại cho chúng.

Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường ghé phòng hai đứa con trai và ngắm nhìn chúng ngủ ngon lành. Nhìn thân thể nhỏ bé đang phập phồng nhịp thở của cuộc sống, tôi luôn cầu nguyện cho chúng có cuộc sống dễ chịu: “Xin Chúa đừng để bọn trẻ gặp gian khổ”. Nhưng gần đây, tôi chợt nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi lời nguyện cầu ấy.

Phải thay đổi vì chúng ta không thể tránh khỏi những cơn gió lạnh thấm vào tận tâm can. Tôi biết chắc các con mình rồi sẽ phải đương đầu với gian lao, thử thách, vì vậy lời cầu nguyện trước kia của tôi sao ngây thơ quá đỗi. Đâu đó trong cuộc đời vẫn luôn có những ngọn gió rét buốt thổi qua.

Vì vậy tôi sẽ thay đổi lời cầu nguyện của mình. Dù muốn hay không, cuộc đời bao giờ cũng lắm chông gai. Tôi cầu mong cho “gốc rễ” của con mình sẽ bén thật sâu, để chúng có thể hút được sức mạnh từ những suối nguồn còn tiềm ẩn nơi Thượng đế vĩnh hằng.

Chúng ta đã nhiều lần cầu xin sự an lành, nhưng rất hiếm khi những ước muốn ấy được thỏa nguyện. Điều chúng ta cần là cầu sao cho gốc rễ của ta ăn sâu vào nguồn sống vĩnh hằng đó, để khi mưa giông, bão tố, chúng ta sẽ không bao giờ gục ngã.

(ST)

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.